Tích cực kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam

06/04/2022 10:32:14

Nhằm tăng cường kết nối và xây dựng mối quan hệ hợp tác đầu tư, Hiệp hội nghiên cứu, tư vấn về chính sách, pháp luật cho hoạt động đầu tư tại Việt Nam (Hiệp hội) đã thường xuyên tổ chức các hoạt động cụ thể, ý nghĩa để các doanh nghiệp có thêm cơ hội tìm hiểu đối tác, chia sẻ ý tưởng, cùng hướng tới mục tiêu chung phát triển doanh nghiệp bền vững, minh bạch, tuân thủ pháp luật.

Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch Hiệp hội nghiên cứu, tư vấn về chính sách, pháp luật cho hoạt động đầu tư tại Việt Nam Trần Tuấn Hải khi trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.

Phó Chủ tịch Hiệp hội nghiên cứu, tư vấn về chính sách, pháp luật cho hoạt động đầu tư tại Việt Nam Trần Tuấn Hải (Ảnh: Phú Đức)

Phóng viên (PV): Kể từ khi Đại hội lần thứ nhất diễn ra vào tháng 8/2019, đến nay sau gần nửa nhiệm kỳ hoạt động, Hiệp hội đã khẳng định vai trò “cầu nối” trong nghiên cứu, tư vấn chính sách, pháp luật cho hoạt động đầu tư tại Việt Nam như thế nào thưa ông?

Phó Chủ tịch Hiệp hội Trần Tuấn Hải: Hiệp hội nghiên cứu, tư vấn về chính sách, pháp luật ra đời xuất phát từ thực tế yêu cầu của xã hội về các hoạt động đầu tư là rất lớn nhưng cũng hết sức phức tạp. Từ khi Đại hội lần thứ nhất (tháng 8/2019) được tổ chức thành công đến nay, song song với việc tập trung vào hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ pháp lý và công tác tổ chức bộ máy để đảm bảo cho sự vận hành của Hiệp hội, với đội ngũ chuyên gia có chuyên môn sâu hỗ trợ, Hiệp hội đã tiếp tục hoàn thiện các đề án, xây dựng các chương trình hoạt động cả dài hạn và ngắn hạn cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể.

Tôi xin nhấn mạnh lại tôn chỉ mục đích của Hiệp hội là nghiên cứu để đưa vào thực tiễn các sản phẩm tư vấn về chính sách, pháp luật đối với các hoạt động đầu tư. Do vậy, từ khi thành lập đến nay, Hiệp hội luôn hướng tới các đối tượng có nhu cầu được tư vấn các vấn đề các doanh nghiệp trong và ngoài nước đang đặt ra và quan tâm. Việc làm của Hiệp hội là vừa trực tiếp tư vấn những vấn đề trong phạm vi đã có kết quả nghiên cứu tốt, vừa kết nối các đối tượng có nhu cầu với các trung tâm tư vấn và các chuyên gia trong mỗi lĩnh vực cụ thể mà Hiệp hội đã hợp tác hiệu quả.

Cùng với đó, việc nghiên cứu của Hiệp hội còn hướng tới các sản phẩm góp phần xây dựng chính sách, pháp luật nên việc nắm bắt chính sách, pháp luật là việc chúng tôi luôn chủ động và có phần đi trước. Đây là những thuận lợi mà chúng tôi có được để có thể giúp cho các nhà đầu tư nắm bắt kịp thời cơ chế hỗ trợ và các cơ hội từ cơ chế hỗ trợ.

PV: Hơn 2 năm qua, doanh nghiệp trong và ngoài nước đã phải đối mặt với vô vàn khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Ông có thể chia sẻ một số kết quả cụ thể của Hiệp hội trong việc kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp khi đầu tư tại Việt Nam?

Phó Chủ tịch Hiệp hội Trần Tuấn Hải: Ở giai đoạn đầu, bám sát chương trình hoạt động của Hiệp hội với sự linh hoạt, kịp thời đưa ra các giải pháp khả thi trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, Ban thường vụ đã chỉ đạo, tổ chức thực hiện một số hoạt động kết nối hội viên cả hình thức trực tiếp và trực tuyến ở nhiều điểm cầu. Từ đó kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng, những khó khăn của các doanh nghiệp, đưa ra giải pháp cũng như hỗ trợ hội viên có nhu cầu về nâng cao hiểu biết pháp luật, cập nhật chính sách mới, chủ trương phục hồi kinh tế “hậu COVID-19”.

Hơn tất cả, chúng tôi mong muốn và nỗ lực để doanh nghiệp có sự thay đổi ứng biến kịp thời với tình hình mới, không rơi vào bế tắc, hay chịu tổn thương bởi dịch bệnh. Các doanh nghiệp có thể dừng sản xuất kinh doanh, nhưng tình trạng này không thể kéo dài bởi nền kinh tế phải vận hành liên tục đòi hỏi các doanh nghiệp phải nhanh nhạy thích ứng, chuyển đổi kinh doanh, ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ số trong phạm vi chính sách pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế. Trong đại dịch, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội để làm được những thứ mà trước đây họ chưa từng làm hoặc nghĩ không thể làm được.

Nhằm tăng cường kết nối và xây dựng mối quan hệ hợp tác đầu tư, Hiệp hội đã thường xuyên tổ chức các hoạt động cụ thể, ý nghĩa để các doanh nghiệp có thêm cơ hội tìm hiểu đối tác, chia sẻ ý tưởng, cùng hướng tới mục tiêu chung phát triển doanh nghiệp bền vững, minh bạch, tuân thủ pháp luật.

Giải Golf ra mắt Trung tâm nghiên cứu đào tạo, phát triển Golf Việt Nam - CGV được tổ chức vào ngày 22/02/2022 mới đây với sự tham gia của gần 250 Golfer tại sân Golf Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh) là một trong những nỗ lực của Hiệp hội trong thời gian qua.

Ông Trần Tuấn Hải trao đổi cùng phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam (Ảnh: Phú Đức)

Phóng viên: Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về vai trò, nhiệm vụ của Trung tâm nghiên cứu đào tạo, phát triển Golf Việt Nam – CGV? Đây sẽ là giải đấu được tổ chức thường niên, thưa ông?

Phó Chủ tịch Hiệp hội Trần Tuấn Hải: Đi cùng với phong trào phát triển thể thao của đất nước, việc Hiệp hội thành lập Trung tâm Nghiên cứu Đào tạo, Đầu tư phát triển Golf Việt Nam – CGV (Trung tâm CGV, với tầm nhìn và sứ mệnh là cánh tay nối dài cho ngành Golf Việt Nam ngày càng vươn xa ra thế giới. Trung tâm CGV hoạt động chủ yếu ở các mảng đào tạo Golf; đào tạo nghề; tổ chức sự kiện, tư vấn – đầu tư dự án; hệ thống Golfshop.

Với mong muốn xây dựng một sân chơi bổ ích, tạo điều kiện cho các doanh nhân, doanh nghiệp kết nối giao thương, xây dựng mối quan hệ hợp tác một cách tốt đẹp, Hiệp hội kết hợp Trung tâm CGV tổ chức Giải Golf ra mắt: TRUNG TÂM CGV vào ngày 22/02/2022 mới đây tại sân Golf Tân Sơn Nhất – số 6 Tân Sơn, phường 12, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh với thể thức đấu gậy theo Handicap. Tổng giải thưởng giải đấu lên tới 10 tỉ đồng, bao gồm 8 ô tô VinFast và nhiều giải thưởng giá trị khác.

Việc ra mắt giải sẽ có sự góp mặt của hơn 240 Golfer là những doanh nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước, hoạt động trong tất cả các lĩnh vực đầu tư là cơ hội để họ cùng chia sẻ với nhau niềm đâm mê với bộ môn thể thao Golf; đồng thời qua đó sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp, doanh nhân kết nối hoạt động đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới.

Phóng viên: Là nơi tập hợp chuyên gia và các nhà khoa học đầu ngành tại Việt Nam, Hiệp hội sẽ khẳng định vai trò của mình hơn qua những hoạt động thực tiễn nào, thưa ông?

Phó Chủ tịch Hiệp hội Trần Tuấn Hải: Hiện nay, việc mở rộng các hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp là xu thế tất yếu của sự phát triển doanh nghiệp. Tuy nhiên, như chúng ta biết, các doanh nghiệp thường gặp khó khăn nhất định, đặc biệt là sự thiếu thông tin tư vấn chính xác nên có không ít những lo ngại cho sự an toàn khi đầu tư. Điều đó sẽ dẫn đến việc họ phải tìm đến các chuyên gia, các nhà khoa học để tìm kiếm sự tư vấn chính xác.

Trong giai đoạn phát triển mới với tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp và sự tác động ngày càng sâu rộng của cách mạng công nghiệp 4.0, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển, Việt Nam đang hoàn thiện chiến lược thu hút FDI thế hệ mới giai đoạn đến năm 2030 với nhiều cải thiện về định hướng thu hút đầu tư, ưu đãi đãi tư, giúp các nhà đầu tư định hướng kế hoạch phát triển trong giai đoạn tới.

Hiệp hội nhận thấy mình có trách nhiệm đưa ra ý kiến tư vấn để định hướng đúng đối với việc tiếp nhận, lựa chọn, phân tích và đánh giá các thông tin giúp các nhà đầu tư và doanh nghiệp có thể yên tâm khi đưa ra quyết định của mình. Do vậy, chúng tôi sẽ tập hợp đội ngũ chuyên gia thực sự có chất lượng, có trách nhiệm để tiến hành các công việc này.

Bên cạnh đó, như đã chia sẻ ở trên, Hiệp hội sẽ cụ thể những kế hoạch của mình bằng nhiều chương trình cụ thể, nhằm kết nối, gắn kết các doanh nghiệp, tạo môi trường lành mạnh trong đầu tư, cùng nhau phát triển.

PV: Xin cảm ơn ông!

Hoàng Mẫn